Trong thời gian gần đây cộng đồng mạng đặc biệt là giới chơi Lan đang xôn xao vụ mua bán giò lan "Đột biến" có giá lên tới tiền tỷ. Để làm rõ hơn thông tin trên chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
Giã hạc 5 cánh trắng (hay Phi điệp), gồm cây gốc và 7 nhánh chiết từ anh Võ Văn Tuyên (thị xã La Gi, Bình Thuận), hôm 28/9, Câu lạc bộ lan đột biến Sông Hàn ở Đà Nẵng đã làm lễ đặt tên cho cây thành "Tiên Sa". Đây là vụ chuyển nhượng gây xôn xao vì giá công bố lên đến 6,8 tỷ đồng.
Anh Tuyên cho biết cây hoa trên là giống Giã hạc rừng quý hiếm. Đây là lần thứ hai cây nở kể lúc anh mua về, với một bông nở 5 cánh trắng, "mắt rồng". "Trước đó từng có người trả giá 7 tỷ nhưng tôi từ chối vì giao dịch không hợp", anh nói.
Còn anh Võ Anh Truyền, chủ nhiệm câu lạc bộ lan đột biến Sông Hàn cho biết “Hôm 27/9 chúng tôi mua một cây Giã hạc 5 cánh trắng Nữ Hoàng giá 1,5 tỷ có nguồn gốc từ Lào. Cây lan của anh Tuyên đắt hơn vì đặc biệt hiếm, trong hàng ngàn cây hiếm mới có một cây cho hoa 5 cánh trắng đẹp”, anh nói. Chi phí mua cây là do 6 thành viên trong câu lạc bộ góp lại...
Nhiều người nhận định cây lan có giá 6,8 tỷ là một chiêu 'thổi giá'. Anh Nguyễn Thiên Tùng, Hội Lan Sài Gòn cho rằng, giá một cây lan 6,8 tỷ là khó tin. Theo anh, hiện nay, tại Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản... lan đột biến được trồng bạt ngàn theo hình thức công nghiệp, cho ra mặt hoa tương tự như dòng lan đột biến tự nhiên, nếu không phải là người am hiểu thì khó có thể nhận ra đâu là tự nhiên, đâu là nhân tạo.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Việt Mỹ, Phó chủ tịch Hội sinh vật cảnh TP HCM cho biết bản thân từng chứng kiến giao dịch một cây sanh cổ 150 tuổi ở Phú Thọ, có giá hơn 120 tỷ, nhưng bỏ 6,8 tỷ mua một cụm lan gồm 7 mầm là khó tin. Theo ông, hiện nay, giá lan ngoài thị trường cao nhất chỉ vài chục đến vài trăm triệu. "Tôi nghe trước đó có nhiều cuộc giao dịch lan giá lên đến hàng tỷ đồng, nhưng có lẽ nó chỉ diễn ra trong nội bộ, còn thực tế thì chưa ai chứng minh được", ông Mỹ nói.
Tuy nhiên, nhiều người chơi lan chuyên nghiệp lại không bất ngờ trước giá bán đắt đỏ này. Từng nhiều năm sưu tầm nhiều loại lan Giã Hạc khác nhau, anh Võ Đức Nhân (Câu lạc bộ lan Quảng Nam) cho biết, theo anh, giá trị nhất của cụm cây hoa 6,8 tỷ là những đường kẻ tím đậm được xen lẫn bằng đường trắng. Điều đó tạo lên sự độc đáo của bông hoa. Không những thế, cấu trúc bông, màu sắc, mắt và thùy bông đạt chuẩn đẹp của cây lan do dân chơi đặt ra.
“Nếu người không đam mê lan thì sẽ cho rằng giá như vậy là không tưởng. Nhưng với những người có trong tay hàng trăm tỷ và mê lan thì bỏ ra 6-7 tỷ so với họ chẳng là gì”, anh Nhân nói.
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), chủ một trang trại lan ở Đà Lạt, cũng cho rằng cuộc giao dịch trên là thật. Ông cho biết, hiện nay thú chơi lan rừng ở Việt Nam đang phát triển mạnh do nguồn gene lan rừng đa dạng và đời sống tinh thần cũng như vật chất người chơi nâng cao. Trên thị trường có đến hơn 200 loại lan khác nhau, nhưng Giã hạc, nhất là có nguồn gốc ở Di Linh, Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Dương, Đắk Lắk, Điện Biên... là quý nhất, có giá trị cao và được người chơi ưa chuộng, tìm mọi cách săn lùng.
“Tôi nghĩ, hiện nay, khi nhiều người muốn sưu tầm lan Giã hạc đột biến, thì giá giao dịch cây 5 cánh trắng 6,8 tỷ là thương vụ thật và có giá cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, trong tương lai, bằng cách nhân kei (mầm cây) nhanh như hiện nay cùng công nghệ nuôi cấy mô phát triển, các cây lan quý sẽ được nhân ra hàng loạt, cùng sự xuất hiện các dòng đẹp khác, cũng như thị hiếu thay đổi thì giá sẽ thấp hơn”, ông Sang nói.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh Việt Nam, cho biết phong lan Giã hạc có nhiều loại và rất khó phân biệt. Một đặc điểm khiến nó được nhiều người yêu thích là có nhiều mặt bông khác nhau, vì thế, người chơi luôn cố gắng tìm kiếm sự độc đáo, đẹp lạ ở từng mặt bông khác nhau.
Lý giải vì sao cây có thể đắt đến vậy, ông Tiến cho biết, các loại Giã hạc trên thị trường hiện nay chủ yếu là hàng nhân tạo, do các nhà vườn tiến hành thuần hoặc nhân giống và tự đặt tên. Còn Giã hạc rừng hầu như đã tuyệt chủng. Để tìm được cây, dân chơi phải sang tận Lào, Campuchia hay các vùng có nhiều rừng để săn lùng, vì thế, những cây này được xem là hiếm, giá bán được tính theo từng cm cây hay độ đột biến của bông hoa.
Theo ông Tiến, gốc hoa mà Câu lạc bộ Sông Hàn mua của anh Tuyên thuộc nhóm Giã hạc 5 cánh trắng. “Tôi không chứng kiến cuộc giao dịch, nhưng xem qua hình ảnh trên mạng thì thấy đã đạt được các yếu tố của một bông hoa đẹp”, tiến sĩ Tiến nói.
Ông cũng khuyên người chơi lan đừng chạy đua theo thị trường khiến giá lan bị đẩy lên cao. “Một cây lan rừng và cây lan công nghiệp rất giống nhau, phải người sành về lan mới phân biệt được, vì thế, đừng vì quá đam mê mà để mình gặp rắc rối”, ông Tiến nói.
Bản thân anh Võ Anh Truyền khẳng định: “Chúng tôi chơi lan vì đam mê chứ không đi theo ý kiến dư luận. Những người không chơi lan, không hiểu về lan thì giá 100 ngàn/cây với họ cũng đắt”.
Nguồn: Vnexpress.vn
https://www.youtube.com/channel/UCV7HTbkXxM5LGVsOdxFHA2A
ReplyDelete